Cơ khí được xem là ngành công nghiệp mũi nhọn, mang tính nền tảng, góp phần nâng vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Song, thực tế còn tồn tại nhiều nút thắt.
Sau dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp cơ khí Việt Nam đã tập trung đầu tư cải tiến công nghệ, kiện toàn quy trình sản xuất, nâng cao năng suất lao động... Thực tế, nhiều sản phẩm cơ khí Việt đạt chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước cũng như xuất khẩu sang các thị trường lớn.
Tuy nhiên đến nay, ngành cơ khí Việt vẫn còn gặp phải nhiều nút thắt, chưa thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng. Ông Nguyễn Thế Tranh - Phó chủ tịch Hội Cơ khí Đà Nẵng nhận định: “Ngành cơ khí vẫn chưa thể hiện tốt vai trò nền tảng, thiếu khả năng cạnh tranh để phát triển trong bối cảnh hội nhập khu vực và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiều chính sách cho ngành cơ khí và công nghiệp hỗ trợ còn gặp khó khăn trong quá trình triển khai”.
Tiềm năng từ thị trường quốc tế
Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) đã tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp cơ khí, không dừng lại ở kêu gọi đầu tư mà còn giành ưu thế trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, nhiều doanh nghiệp cơ khí ngày càng mở rộng thị trường xuất khẩu. Điển hình như Thaco Industries xuất khẩu nhiều linh kiện sang Bắc Mỹ, Bắc Âu, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Campuchia...
Sự dịch chuyển về sản xuất còn mang đến nhiều khách hàng mới. Cụ thể, theo bà Trương Thị Chí Bình - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI), UAE và Mỹ là 2 trong số những thị trường tiềm năng cho các sản phẩm cơ khí Việt. Các thị trường này có nhu cầu nhập khẩu rất lớn do đang đẩy mạnh tập trung sản xuất các sản phẩm bền vững và thân thiện môi trường.
Ngay cả Nhật Bản - một trong 4 “ông lớn” về cơ khí tại châu Á (bên cạnh Ấn Độ, Đài Loan và Trung Quốc) cũng đang cho thấy dấu hiệu đẩy mạnh nhập khẩu từ khu vực ASEAN để tránh phụ thuộc nguồn cung vào Trung Quốc.
Tất cả cho thấy dư địa của ngành là rất lớn, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng đủ năng lực để nắm bắt cơ hội. Con số nhập khẩu của ngành cơ khí lớn, nhưng hầu hết nằm trong khối doanh nghiệp FDI. Ngoại trừ Thaco Industries, tỷ trọng của doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung còn khiêm tốn.
Năm 2023, thị trường sản phẩm cơ khí suy giảm khoảng 20% đơn hàng, có doanh nghiệp tới 30-40%. Ngoài tác động chung của tình hình kinh tế biến động, nguyên nhân còn do số lượng công trình công nghiệp được khởi công giảm, nhiều công ty hoạt động và duy trì ở mức cầm chừng vì không đủ năng lực cạnh tranh, các đối tác nước ngoài biết rõ “cái khó” của doanh nghiệp Việt nên chưa sẵn sàng hợp tác...
Cần từng bước gỡ rối
Được định vị là ngành mũi nhọn, song đến nay ngành cơ khí Việt vẫn chưa có một chính sách cụ thể để làm kim chỉ nam. Điều này từng được ông Lê Văn Tuấn - Tổng giám đốc Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI) nhấn mạnh tại Hội nghị toàn thể doanh nghiệp hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam lần thứ 1, năm 2022. Khó khăn trên hành trình phát triển là không thể tránh, nhưng khi các doanh nghiệp phải “tự mò đường để đi”, việc tháo gỡ trở nên nan giải.
Giá trị của thị trường cơ khí cũng được đánh giá có thể lên tới hàng tỷ USD khi ông Nguyễn Quang Hiếu - Tổng giám đốc CTCP Chế tạo Giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard) đưa ra ví dụ về các dự án điện gió ngoài khơi, nơi các doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể làm chủ và chế tạo phần chân đế cho các trụ. Theo đó, một dự án quy mô nhỏ cũng gồm 30-40 trụ điện, tương đương 300.000 tấn thiết bị cho hệ thống chân đế. Nếu nhân với 4.000 USD/tấn, mỗi năm trung bình sẽ có khoảng 1,2 tỷ USD thị phần cho các doanh nghiệp trong nước.
Bên cạnh đó, ông Đào Phan Long - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI) phân tích trung bình 5-10 năm qua, Việt Nam nhập khẩu khoảng 40 tỷ USD/năm các trang thiết bị, máy, vật tư sản xuất cho toàn ngành kinh tế. Đây là thị trường đáng mơ ước của nhiều quốc gia, nhưng chính các doanh nghiệp nội địa lại chưa thể nắm bắt.
Theo Cục Công nghiệp thuộc Bộ Công Thương, Việt Nam có khoảng 25.000 doanh nghiệp cơ khí đang hoạt động. Tuy nhiên, phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiềm lực chưa đủ mạnh, nguồn vốn hạn hẹp.
Cụ thể, để một doanh nghiệp đầu tư phát triển trọn gói đòi hỏi nguồn vốn rất lớn. Trong khi đó, việc nhập khẩu lẻ các trang, thiết bị phục vụ sản xuất lại dẫn đến đội giá thành, khiến sản phẩm giảm sức cạnh tranh trên thị trường. Mặt khác, các sản phẩm có tỷ lệ nội địa hóa thấp vừa không gây ấn tượng với đối tác nước ngoài, vừa khiến doanh nghiệp khó chứng minh tên tuổi.
Vì vậy, để phát triển ngành cơ khí, các chương trình hỗ trợ đầu ra thông qua việc kết nối doanh nghiệp với người mua tiềm năng là đặc biệt quan trọng. Ngoài ra, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần chủ động liên kết, hợp tác, học hỏi từ những đối tác lớn. Những ưu tiên về đơn hàng trong nước, dự án đầu tư công, chương trình đào tạo nhân lực, hỗ trợ tài chính, lãi suất vay ngân hàng... cũng là các yếu tố cần được xem xét.
Chỉ khi gỡ rối những nút thắt này, các doanh nghiệp mới có thể tập trung đầu tư thiết bị cho dây chuyền sản xuất, từ đó tạo nên nhiều sản phẩm chất lượng cao để xuất khẩu sang thị trường lớn, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nguồn: znews.vn