Việc các tập đoàn nước ngoài đẩy mạnh thu hút nhân lực từ thị trường Việt Nam đặt ra bài toán về đào tạo và giữ chân nhân tài cho ngành gia công cơ khí, công nghiệp hỗ trợ trong nước.
Chia sẻ tấm ảnh chụp cùng vợ và con trai 2 tuổi trên trang cá nhân, anh Vương Văn Thái (30 tuổi) cho biết năm 2024 đã là năm thứ 9 anh sinh sống và làm việc tại Nhật Bản.
Đầu năm 2016, anh Thái là một trong những sinh viên tốt nghiệp trường Cao đẳng nghề Bách khoa Hà Nội đủ điều kiện tuyển dụng của một doanh nghiệp cơ khí Nhật Bản có trụ sở tại Minato-ku (Tokyo). Thời điểm đó, anh Thái cũng phân vân giữa việc đi nước ngoài hay ở lại Việt Nam làm việc tại các doanh nghiệp trong nước.
Tuy nhiên, sau khi cân nhắc các yếu tố, anh vẫn quyết định sang Nhật công tác. “Không ai muốn xa gia đình, nhưng quyết định sang Nhật của tôi bị chi phối nhiều bởi mức thu nhập cao mà phía công ty chủ quản đưa ra”, anh Thái nói.
Theo anh Thái, ở vai trò sinh viên mới ra trường, anh khó được doanh nghiệp trong nước nào đưa ra được mức thu nhập cũng như môi trường làm việc hiện đại tương tự phía công ty Nhật Bản.
Thiếu lao động tay nghề cao
Thực tế, rất nhiều lao động người Việt trong lĩnh vực cơ khí, công nghiệp hỗ trợ đã lựa chọn làm việc tại doanh nghiệp nước ngoài khi có cơ hội thay vì làm việc cho doanh nghiệp trong nước.
Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện có khoảng 500.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản. Trong đó, số lượng người đi lao động theo chương trình kỹ sư lên tới hơn 65.000 người.
Ngoài Nhật Bản, các quốc gia và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Singapore... cũng là những thị trường thu hút nhiều lao động Việt Nam, bao gồm cả lao động trình độ cao.
Việc doanh nghiệp tại những quốc gia có nền công nghiệp phát triển đẩy mạnh thu hút nhân lực từ Việt Nam đã đặt ra bài toán đào tạo và giữ chân nhân tài cho ngành cơ khí, công nghiệp hỗ trợ trong nước.
Ông Cao Văn Bình, Quyền Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), nhận định nguồn nhân lực hiện nay là yếu tố quan trọng đối với việc cải thiện chất lượng sản phẩm cơ khí và công nghiệp hỗ trợ. Do vậy, phát triển nguồn nhân lực là vấn đề rất quan trọng cho sự phát triển của ngành.
Việc thiếu nhân lực có trình độ chuyên môn, tay nghề cao đã khiến nhiều doanh nghiệp tốn không ít nguồn lực, chi phí vì sau khi tuyển dụng gần như phải đào tạo lại để phù hợp với trình độ chuyên môn, mục tiêu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Trên thực tế, hiện cả nước có hàng chục cơ sở đào tạo nhân lực cho ngành cơ khí và công nghiệp hỗ trợ với đa dạng bậc học như đại học, cao đẳng, trung cấp nghề... Tuy nhiên, đa số học viên ra trường lại khó kiếm việc làm. Nguyên nhân đến từ chất lượng đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu thực tế, dẫn tới việc thiếu nhân lực.
Đào tạo đã khó, giữ chân nhân lực chất lượng cao còn khó hơn khi mức thu nhập trong nước chưa cao, công việc nặng nhọc.
Theo đề tài nghiên cứu thực trạng và giải pháp phát triển nguồn nhân lực ngành cơ khí Việt Nam, thạc sĩ Trần Trọng Thắng và giảng viên Vũ Đình Cứu, Trung tâm Cơ khí - Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, chỉ ra 2 nguyên nhân khiến ngành cơ khí Việt Nam thiếu hụt nhân sự chất lượng cao.
Một là, khó cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Hai là chất lượng nguồn nhân lực kém.
Cụ thể, theo 2 vị này, tùy vào kinh nghiệm và năng lực làm việc - chức danh, nhiệm vụ - quy mô doanh nghiệp - khu vực làm việc..., mức lương dành cho kỹ sư cơ khí sẽ có sự khác nhau.
Trong đó, mức lương khởi điểm cho các kỹ sư cơ khí có thể dao động từ 8-10 triệu đồng/tháng và có thể lên đến vài chục triệu đồng hoặc thậm chí cao hơn thùy thuộc vào trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, số năm kinh nghiệm...
Tuy nhiên, kỹ sư cơ khí làm việc cho các công ty, tập đoàn nước ngoài được trả mức lương cao hơn nhiều so với trong nước. Mức lương chênh lệch này khiến lao động tay nghề cao có xu hướng chuyển việc sang những công ty lớn có mức lương và chế độ phúc lợi tốt hơn.
Yếu tố thứ hai là nguồn lao động của Việt Nam hiện nay chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu vận hành các thiết bị công nghệ cao. Vì vậy, đào tạo chuyên môn kỹ thuật cho người lao động trong lĩnh vực này cũng là một vấn đề cấp thiết, cần được các doanh nghiệp quan tâm.
Ưu tiên đào tạo nhân lực tận nguồn
Xác định thực trạng này, từ lâu, một số tập đoàn cơ khí, công nghiệp hỗ trợ lớn đã chú trọng vào việc tìm kiếm nhân lực thông qua hoạt động liên kết với các cơ sở đào tạo. Thậm chí, để giải quyết bài toán nguồn nhân lực, từ năm 2010, Tập đoàn Thaco đã thành lập Trường Cao đẳng Chu Lai - Trường Hải (nay là Trường Cao đẳng Thaco).
Ông Phan Tiềm, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thaco cho biết, nhà trường hiện tập trung thực hiện 2 nhiệm vụ chính gồm: tuyển sinh đào tạo các ngành nghề chính quy các trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng để cung cấp nguồn nhân lực phù hợp cho Thaco, các doanh nghiệp tại miền Trung và cả nước; và đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ quản trị, kỹ năng mềm, kiến thức chuyên môn cho cán bộ nhân viên Thaco tại các đơn vị.
Trong gần 14 năm hoạt động, trường đã tuyển sinh hơn 11.000 học sinh - sinh viên, trong đó gần 6.000 em đã tốt nghiệp. Đặc biệt, nhà trường đã đào tạo kỹ năng mềm và huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho hơn 150.000 lượt cán bộ nhân viên của Thaco.
Chỉ ra điểm đặc biệt về mô hình đào tạo của nhà trường so với các trường nghề khác, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thaco cho hay, đội ngũ giảng viên của trường đều có tay nghề cao nhờ có điều kiện tiếp cận các thiết bị hiện đại cũng như nghiên cứu, học tập tại các nhà máy của Thaco. Ngoài ra, các giảng viên cũng có cơ hội tham gia các khóa đào tạo chuyển giao công nghệ của các hãng xe để học hỏi, liên tục cập nhật kiến thức và sự thay đổi của công nghệ. Tương tự, học sinh - sinh viên của trường cũng sớm được va chạm với công việc thực tế, tham gia vào hoạt động sản xuất tại các nhà máy để ra trường có thể đáp ứng tốt các công việc tại nhà máy.
Về phía các doanh nghiệp, nhóm chuyên gia khuyến nghị cần coi trọng chế độ đào tạo nhân lực tại chỗ, các chính sách về chuyển giao công nghệ và những quy chế sử dụng chuyên gia nước ngoài. Đồng thời, cần nâng cao công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực số nội bộ, xem đây là yếu tố nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Về dài hạn, doanh nghiệp cần đầu tư cho việc cử nhân sự đi học ở trong và ngoài nước, đồng thời mời chuyên gia tư vấn hoặc cố vấn độc lập về huấn luyện trực tiếp cho cán bộ chủ chốt.
Đối với các cơ sở đào tạo, nhóm chuyên gia khuyến nghị phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp, nhằm giúp học viên có cơ hội thực tập tại doanh nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, góp phần nâng cao kỹ năng nghề nghiệp.
Về giải pháp của cơ quan quản lý, ông Cao Văn Bình cho biết, Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp đã triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nâng cao nguồn nhân lực. Đặc biệt là chú trọng các chương trình đào tạo chuyên gia tư vấn nhằm xây dựng một hệ thống chuyên gia, giúp các doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh để giảm chi phí và nâng cao hiệu quả...
Hiện trung tâm đang phối hợp cùng các tổ chức quốc tế và các tập đoàn đa quốc gia như Samsung, Toyota, Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC), Trung tâm Tư vấn và Giải pháp Công nghệ Việt - Hàn (VITASK), Viện Công nghệ Công nghiệp Hàn Quốc (KITECH), các cơ sở đào tạo trên cả nước để tổ chức các chương trình đào tạo nâng cao nguồn nhân lực hiệu quả.
Bên cạnh nỗ lực của cơ quan quản lý, ông Bình cho rằng các doanh nghiệp và cơ sở giáo dục đào tạo cũng cần tích cực thu hẹp khoảng cách từ đào tạo đến thực tiễn.
Nguồn: znews.vn